Kiến thức chung về bệnh ung thư buồng trứng
Trong số các bệnh ung thư nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ phải kể đến bệnh ung thư buồng trứng. Nắm bắt và hiểu rõ những kiến thức về căn bệnh này sẽ giúp chị em chủ động trong phòng tránh cũng như trong điều trị.
Ung thư buồng trứng là gì?
Đó là một hoặc nhiều khối u ác tính được sinh ra trong buồng trứng (một hoặc cả hai buồng trứng). Có hai loại bệnh chủ yếu đó là ung thư biểu mô buồng trứng và ung thư ngoài biểu mô. Các tế bào ung thư trong buồng trứng có khả năng di căn đến các bộ phận ở xa trong cơ thể.
Hình ảnh mô phỏng khối u ở buồng trứng
Căn bệnh này đứng hàng thứ 3 trong tất cả các loại ung thư phát sinh ở cơ quan sinh sản của phụ nữ. Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng độ tuổi có nguy cơ cao là từ 20-50 tuổi.
Dấu hiệu ung thư buồng trứng
Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết bệnh mà các chị em phụ nữ cần lưu ý:
- Đau bụng: Một trong những triệu chứng ung thư buồng trứng giai đoạn đầu là đau bụng, đau kéo xuống cả vùng xương chậu, cơn đau thường kéo dài trong khoảng hơn 2 tuần.
Đau bụng là một trong những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh này
- Đi tiểu nhiều lần: Là do bạn bị viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc cơ xương chậu yếu.
- Đau phần lưng dưới: Nếu bạn gặp phải dấu hiệu này mà không phải do tác động các yếu tố bên ngoài, không bị bệnh xương khớp hay đang trong chu kì kinh thì cần đi kiểm tra ngay lập tức.
Xuất hiện triệu chứng đau phần lưng dưới
- Chảy máu âm đạo: Chảy máu âm đạo bất thường kèm theo màu da thay đổi, người bệnh cảm giác đau quặn từng cơn.
- Ăn không ngon miệng: Ung thư gây cản trở việc trao đổi chất của cơ thể khiến người bệnh cảm giác đắng miệng, chán ăn, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi không muốn làm bất cứ việc gì.
- Đầy hơi, khó tiêu: Khối u phát triển lớn sẽ chiếm mất một khoảng không gian trong bụng gây ra cảm giác đau bụng, đầy hơi, khó tiêu khiến người bệnh cảm giác khó chịu.
Nguyên nhân chính xác của bệnh này chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng.
- Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người mắc bệnh thì những người có cùng quan hệ huyết thống có nguy cơ mắc cao hơn những người bình thường khác.
- Độ tuổi : Ung thư buồng trứng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi tuy nhiên phổ biến ở độ tuổi trên 50, và tỉ lệ mắc cao nhất đối với các phụ nữ ngoài 60 tuổi.
- Điều trị hormone thay thế: Theo một số công trình nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những phụ nữ điều trị hormone thay thế sau thời kì mãn kinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Sinh sản: Phụ nữ không sinh con, không có khả năng sinh con hoặc sinh con muộn ở độ tuổi ngoài 30 cũng là những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc ung thư buồng trứng.
- Lối sống: Thói quen không tốt như hút thuốc lá, ăn nhiều chất béo, thức khuya, lười vận động, béo phì, thừa cân cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở nhiều chị em phụ nữ.
Rượu, bia, thuốc lá là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư
- Gen BRCA1 và BRCA2: Đột biến hai loại gen này xuất hiện ở những phụ nữ mắc bệnh ung thư vú. Đây chính là nguyên nhân gây bệnh cho những phụ nữ trẻ tuổi.
Cách điều trị ung thư buồng trứng
Tùy vào tình trạng khối u cũng như cơ địa của từng người mà các bác sĩ xác định cụ thể phương pháp điều trị hợp lý nhất cho từng bệnh nhân. Hiện nay, điều trị ung thư buồng trứng có rất nhiều phương pháp bao gồm:
- Phẫu thuật: Thường được áp dụng với phần đa bệnh nhân. Phương pháp này thường cắt bỏ tử cung cùng với buồng trứng và vòi dẫn trứng ở hai bên. Nếu ung thư đã lan tỏa ra rộng và bệnh nhân không còn nhu cầu sinh con, bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ buồng trứng để hạn chế việc các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
- Hóa trị: là phương pháp điều trị sau khi đã phẫu thuật xong, sử dụng các loại hóa chất để các tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại. Nó cũng có thể được sử dụng để điều trị ngay từ ban ban đầu cho căn bệnh này. Thuốc được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch, khoang bụng của người bệnh hoặc sử dụng đồng thời cả hai phương pháp này.
- Tia xạ trị liệu hay có tên gọi khác là liệu pháp phóng xạ, sử dụng các tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
Ngoài điều trị đơn lẻ các phương pháp này, bệnh nhân cũng có thể sử dụng kết hợp cùng lúc cả 3 phương pháp để có thể đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Tuy nhiên trước các đợt điều trị, bệnh nhân phải được các bác sĩ thăm khám, kiểm tra rất kĩ xem sức khỏe có đáp ứng và phù hợp với các liệu pháp điều trị sắp tới hay không.