Xạ trị là phương pháp dùng để bổ sung cho biện pháp phẫu thuật: nếu khối u lớn hoặc nằm ở vị trí bất tiện thì dùng xạ trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật hay ngược lại. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh: các tế bào lành xung quanh dễ dàng bị tiêu diệt theo nếu sử dụng liều lượng không hợp lý hoặc áp dụng kỹ thuật chiếu sai, bên cạnh đó có thể kèm theo các biến chứng như: buồn nôn, mệt mỏi, da bị kích thích, tiêu chảy…
Khác với xạ trị, hóa trị là phương pháp điều trị toàn thân bằng các loại hóa chất dành cho các bệnh ung thư có tính chất diện rộng như ung thư da, ung thư máu…hoặc các bệnh ung thư khác đã vào giai đoạn di căn tới các bộ phận khác của cơ thể, thường là giai đoạn cuối. Cũng như xạ trị, hóa trị cũng mang lại những tác dụng phụ gây đau đớn và khó chịu cho các bệnh nhân như: buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rụng tóc, chán ăn, mệt mỏi…
Trong thời gian xạ trị, bệnh nhân có thể chán ăn, khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể suy giảm,dẫn đến suy dinh dưỡng, sức đề kháng và hệ miễn dịch bị suy yếu. Vì thế dinh dưỡng cho bệnh nhân khi hóa xạ trị là điều quan trọng
Trong hóa và xạ trị, cơ thể bạn bị tấn công bởi các gốc tự do khiến DNA (thông tin di truyền tế bào) và ty thể (cơ quan năng lượng của tế bào) bị phá hủy. Bạn đừng nên phá hủy thêm các thành phần trên bằng những thực phẩm có hại, nghèo dinh dưỡng, chứa nhiều chất tổng hợp nhân tạo. Hãy ăn thực phẩm tươi sống, có thể tăng cường miễn dịch, trung hòa các gốc tự do, ức chế sự phát triển, xâm lấn và di căn xa của các tế bào ung thư.
Bên cạnh đó, bạn nên tránh xa các loại thức ăn và nước uống sau: thực phẩm đã chế biến sẵn, rượu bia, đồ ngọt, soda, đồ nướng và thực phẩm chứa đường hóa học.
Sau khi thực hiện các đợt hóa xạ trị, người bệnh vui vẻ và mong đợi để trở lại cuộc sống bình thường. Vậy nên hãy duy trì lối sống lành mạnh để giảm thiểu hậu quả của hóa xạ trị và phục hồi nhanh hơn nhé!
1. Tập thể dục: Nên tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần, bao gồm rèn luyện thể chất ít nhất 2 ngày/tuần. Còn nếu đôi khi không thích tập thể dục, có thể là do tác dụng phụ của điều trị kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi thì chỉ cần đi dạo xung quanh nhà. Một vài nghiên cứu chứng minh tập thể dục có thể giảm nguy cơ ung thư tái phát, có lợi cho tim mạch, hô hấp và toàn cơ thể.
2. Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu muốn tăng cân, đơn giản hãy khiến thức ăn của bạn trông ngon miệng và hấp dẫn hơn. Hỏi ý kiến bác sĩ để kiểm soát buồn nôn, đau đớn hay những tác dụng phụ khác của điều trị ung thư có thể khiến bạn chán ăn. Nếu bạn muốn giảm cân, hãy giảm từ từ, không nhiều hơn 1kg/tuần, kiểm soát lượng thức ăn cũng như năng lượng thực phẩm bạn ăn hàng ngày và chăm chỉ tập thể thao.
3. Ngủ đủ giấc: Rối loạn giấc ngủ rất hay gặp trên bệnh nhân ung thư, cả những người còn sống sau điều trị. Có thể là do thay đổi thể chất, tác dụng phụ của điều trị, stress và nhiều lý do khác. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể, tinh thần bạn tươi trẻ hơn và sinh hoạt tốt hơn khi bạn thức dậy. Ngủ đủ giấc còn giúp bạn tăng khả năng nhận thức, cải thiện chức năng các hormone trong cơ thể, hạ huyết áp và cảm thấy tích cực hơn.
4. Giảm căng thẳng: Mặc dù không có bằng chứng rằng việc kiểm soát căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống còn trên bệnh nhân ung thư, nhưng có thể giảm trầm cảm, hoảng loạn và những triệu chứng liên quan đến quá trình điều trị ung thư.
5. Cân bằng chế độ dinh dưỡng: Cân đối bữa ăn với nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Hãy lựa chọn những chất béo có lợi như omega-3, tìm thấy trong cá và quả óc chó. Đạm ít chất béo bão hòa như cá, thịt nạc, trứng, hạt và các loại đậu rất tốt cho bạn. Bạn nên hấp thu carbohydrate (chất bột đường) từ ngũ cốc nguyên hạt, đậu, trái cây và rau.