Tổng đài tư vấn
0812 903 903

CÁC VITAMIN B1, B5, B6

Vitamin là những hợp chất hữu cơ mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, phần lớn phải đưa từ ngoài vào bằng đường ăn, uống. Vitamin có tác dụng với lượng nhỏ, đóng vai trò rất quan trọng trong sự sống của con người, là những chất xúc tác không thể thiếu được trong sự chuyển hóa các chất. Nhu cầu vitamin hàng ngày của cơ thể rất ít, nhưng nếu thiếu sẽ gây ra những rối loạn trầm trọng, sinh bệnh và nếu kéo dài sẽ có thể chết.

Nguyên nhân thiếu vitamin thường do thành phần thức ăn không đầy đủ hoặc cơ thể mắc bệnh, không chuyển hóa được qua thức ăn; khi đó phải bù đắp viatmin cho cơ thể qua các đường dẫn thuốc thích hợp như uống, tiêm, truyền. Thường thiếu nhiều vitamin một lúc, nên khi điều trị cần phối hợp nhiều vitamin.

  1. Vitamin B1 (Thiamin, aneurin)

Có nhiều trong men bia (6-10 mg/100g), cám, đậu tương, còn có lượng ít hơn trong sữa, gan, thận, thịt, lòng đỏ trứng.

Thiếu vitamin B1 gây bệnh tê phù (beri-beri), mệt mỏi, kém ăn, giảm trí nhớ, đau dây thần kinh, giảm trương lực cơ; nếu thiếu nặng, có thể suy tim.

Hấp thu ở ruột non qua vận chuyển tích cực ở ruột non; với liều cao, thì cũng có thể khuếch tán thụ động. Hấp thu hạn chế với liều 8-15 mg/ ngày, nhưng có thể hấp thu nhiều hơn nếu uống rải rác nhiều lần, chia liều và dùng với thức ăn. Hàm lượng cao nhất ở gan, não, thận, tim. Khi các mô đã quá nhu cầu, vitamin sẽ đào thải qua nước tiểu dưới dạng thiamin không chuyển hóa hoặc dạng pyrimidin.

Cơ chế tác dụng: Vitamin B1 dưới dạng thiamin là phân tử hữu cơ chứa hai nhân pyrimidin và thiazol nối với nhau bằng cầu methylen. Trong cơ thể, dạng có hoạt tính là coenzym có tên thiamin pyrophosphat. Coenzym này tham gia vào chuyển hóa hydrat carbon bằng cách khử carboxyl của các acid α-keto (như pyruvat, α – cetoglutarat) hoặc bằng cách tận dụng pentose trong con đường hexose monophosphat (nhờ xúc tác của transketolase).

Khi thiếu vitamin B1, thì sự oxy hóa pyruvat bị ngăn trở, sẽ gặp tăng nồng độ pyruvat trong máu và giảm hoạt tính transketolase trong hồng cầu.

hotline

Chỉ định: Phòng ngừa và điều trị bệnh tê phù, đau dây thần kinh, nhiễm độc thần kinh do nghiện rượu, chống mệt mỏi kém ăn, rối loạn tiêu hóa, người mang thai, thời kì cho con bú.

  1. Vitamin B5 (acid pantothenic)

Vitamin B5 (acid pantothenic) tan trong nước, là đồng yếu tố trong nhiều phản ứng sinh hóa quan trọng như tổng hợp acetyl – CoA, giúp chuyển nhóm acetyl và tham gia vào chu trình Krebs tạo năng lượng. Vitamin B5 trong cơ thể giúp sử dụng thích hợp hydrat carbon, protid, lipid và cho lan da khỏe mạnh.

Sau khi hấp thu vào cơ thể, vitamin B5 chuyển sang dẫn xuất chứa S (là dẫn xuất pantethine). Pantethine chuyển tiếp sang coenzym A là dạng duy nhất có hoạt tính sinh học của vitamin B5.

Vitamin B5 và dẫn xuất bảo vệ được màng tế bào huyết tương của tế bào u chống hư hại bởi các gốc tự do của oxy nhờ làm tăng lượng coenzym A (CoA) trong tế bào u. Chính CoA đẩy mạnh được cơ chế sửa chữa của tế bào nhờ thúc đẩy sự tổng hợp phospholipid màng (tức tăng sự ester hóa các acid béo, tăng sáp nhập vào phospholipid và cholesterol ester).

Chống rối loạn lipid máu

Patethine (chất chuyển hóa của Vitamin B5) khi thủy phân sẽ cho cystamin; cystamin ức chế được acetyl-CoA-Carboxylase và lần lượt làm giảm tổng hợp triglycerid.

Patethine cũng có thể làm giảm tổng hợp cholesterol nhờ ức chế HMG-CoA-Reductase. Vậy vitamin B5 rất có ích trong điều trị rối loạn lipid – máu và xơ vữa động mạch (giảm cholesterol toàn phần, giảm LDL – C, giảm apolipoprotein B và tăng HDL – C, tăng apoA). Tất cả mọi bệnh nhân rối loạn

Lipid-máu dù không phức tạp kể cả người bệnh tiểu đường tuýp II đều có thể tận dụng vitamin B5.

Làm lành vết thương

Vitamin B5 cần cho chức năng bình thường của biểu mô. Dùng các vitamin B5 và C sau phẫu thuật để làm lành vết thương. Vitamin B5 thúc đẩy quá trình làm lành kết mạc, giác mạc sau phẫu thuật phục hồi biểu mô.

Vitamin B5 còn làm lành vết thương nhờ làm tăng số lượng và tốc độ các tế bào di cư, tăng phân chia tế bào và thay đổi tổng hợp protein.

Chống ngộ độc ethanol

Vitamin B5 chống ngộ độc rượu ethylic (như trong rối loạn hoạt động vận động) không phải nhờ phản ứng phụ thuộc CoA, mà do làm tăng phản ứng oxy hóa từ ethanol sang acetaldehyd, giúp ethanol đào thải nhanh khỏi cơ thể.

Chống viêm

Vitamin B5 chống viêm nhờ ức chế sự phóng thích MPO (MyeloPeroxydase) từ bạch cầu đa nhân trung tính: cơ chế này liên quan đến bảo vệ chống sự hủy hoại của peroxy hóa (như làm giảm các triệu chứng của viêm gan).

Vitamin B5 và tuyến nội tiết

Vitamin B5 tạo ra hormon steroid khi có suy chức năng tuyến thượng thận, giúp tuyến này vận hành thích hợp.

Vitamin B5 và chuyển hóa chất

Vitamin B5 giúp tăng giải phóng năng lượng từ hydrat carbon trong chu trình Krebs, tham gia tổng hợp phospholipid, mỡ, cholesterol, acid mật, giúp tổng hợp chất trung gian acetylcholin, tham gia tổng hợp porphyrin trong Hb của hồng cầu.

Bảo vệ cơ tim

Vitamin B5 bảo vệ cơ tim chống hư hại do peroxy – hóa trong thiếu máu cục bộ, tưới máu lại, giảm thể nhiệt và sau khi điều trị với với heparin.

Lưu ý:

Tránh dùng vitamin B5 khi rối loạn đông máu (như bệnh ưa chảy máu), khi mang thai, thời kì cho con bú.

  1. Vitamin B6

Danh từ Vitamin B6 dùng để chỉ cả ba dẫn xuất là pyridoxin, pyridoxal và pyridoxamin. Trong hồng cầu, vitamin B6 ở dưới dạng pyridoxal phosphat và pyridoxamin phosphat. Là đồng yếu tố của các enzym xúc tác cho hơn 100 phản ứng chuyển hóa protid, lipid và hydrat carbon.

Pyridoxal phosphat cũng tham gia vào tổng hợp nhiều chất trung gian thần kinh, vào chuyển hóa của một số vitamin khác (như chuyển tryptophan sang vitamin PP) và tạo thành hemoglobin.

Vitamin B6 tích lũy trong gan, cơ và não. Pyridoxal phosphat được vận chuyển trong huyết tương qua gắn vào albumin/ huyết tương và trong hồng cầu (phối hợp với hemoglobin). Vitamin B6 đào thải chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng các chất đã chuyển hóa. Có mặt cả trong sữa mẹ.

Thiếu hụt vitamin B6

Rất hiếm gặp ở người; nhưng có thể thiếu nếu người bệnh suy dinh dưỡng nặng hoặc dùng một số thuốc như INH, oestrogen…

Khi thiếu sẽ gây viêm da, nẻ môi, viêm hầu, viêm miệng. Thiếu nghiêm trọng sẽ gây mệt mỏi, kích thích, trầm cảm, chóng mặt, bệnh dây thần kinh ngoại biên, co giật; trẻ em có thể gặp những triệu chứng đặc hiệu của thiếu vitamin này như tiêu chảy, thiếu máu, co giật.

Thiếu hụt vitamin B6 kéo dài có thể gây tích lũy acid oxalic trong nước tiểu (tạo sỏi oxalat) và thiếu máu giảm sắc hồng cầu nhỏ.

Cơ chế tác dụng

Hấp thu chính dưới dạng pyridoxin, vào cơ thể chuyển thành pyridoxal và pyridoxamin. Dưới dạng có hoạt tính là pyridoxal phosphat, là coenzym của nhiều loại enzym tham gia trong chuyển hóa acid amin (như transaminase, decarboxylase, desaminase). Tham gia tổng hợp acid gamma aminobutyric (GABA) và vào chuyển hóa acid oxalic.

Ứng dụng của vitamin B6

  1. Hội chứng tiền kinh nguyệt

Dùng liều cao (mỗi ngày 500mg) làm giảm hội chứng tiền kinh nguyệt, nhưng có nguy cơ độc tính do quá liều. Tuy nhiên, có thấy lợi ích khi dùng liều thấp (50 – 100 mg/ngày) để ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng tiền kinh nguyệt (như trầm cảm).

  1. Hen phế quản

Liều thấp vitamin B6 có ích lợi khi dùng cho người lớn và trẻ em bị hen phế quản. Khi dùng theophyllin chữa hen sẽ gây thiếu hụt vitamin B6, nếu bổ sung 15mg/ ngày pyridoxin sẽ làm giảm tác dụng phụ của theophyllin liên quan tới chức năng hệ thần kinh.

Bổ sung vitamin B6 (50mg/ngày) làm giảm độ nghiêm trọng và tần số các cơn hen; với trẻ em, dùng pyridoxin 200mg/ngày sẽ làm giảm nhu cầu thuốc chống hen (nhưng nếu dùng corticoid chữa hen thì 300mg/ngày của vitamin B6 cũng không cải thiện được cơn hen).

  1. Bệnh thần kinh do tiểu đường

Bệnh thần kinh ở người tiểu đường có thể liên quan tới thiếu hụt pyridoxin. Vitamin B6 150mg/ ngày dùng trong 6 tuần liền đã loại hẳn các triệu chứng bệnh thần kinh ở người tiểu đường, làm giảm đau dần dây thần kinh ngoại biên.

  1. Bệnh động mạch vành tim

Homocystein tăng cao trong huyết tương sẽ làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành tim. Điều này liên quan tới hàm lượng thấp của acid folic và các vitamin nhóm B trong máu (kể cả vitamin B6). Cần bổ sung cả bộ 3: acid folic (1000µg/ngày) + vitamin B12 (400µg/ngày) + vitamin B6 (10 mg/ngày).

  1. Những ứng dụng khác

Còn dùng vitamin B6 trong:

  • Buồn nôn khi mang thai, say tàu xe
  • Cao huyết áp
  • Bệnh tự kỷ (vitamin B6 + magnesi)
  • Chuột rút
  • Bệnh áp – tơ ở miệng
  • Sa sút nhận thức tri giác (do vitamin B6 làm giảm homocystein – máu, mà homocystein là yếu tố nguy cơ cho bệnh mạch máu não).
  • Vữa xơ động mạch, nhồi máu cơ tim, chứng múa giật, co giật ở trẻ em, suy nhược cơ thể, viêm dây thần kinh thị giác do rượu.
  • Còn dùng trong mệt mỏi cơ, thiếu máu, và giảm bạch cầu hạt (ví dụ: do dùng thuốc hạ sốt giảm đau, người mang thai).

Thận trọng:

  • Dùng cẩn thận với người quá mẫn cảm với pyridoxin.
  • Liều cao ở trẻ em gây phụ thuộc pyridoxin.

Tác dụng không mong muốn

Liều 100 – 150 mg/ngày, uống trong 5-10 năm không gây độc.

500 – 5000 mg/ngày dùng trong 1-3 năm liền gây bệnh thần kinh ngoại biên.

Tác dụng phụ

Chỉ gặp khi dùng liều cao và kéo dài với biểu hiện: bệnh thần kinh ngoại biên, tê bì và ngứa tay chân, mất phản xạ chân tay, dáng đi không vững, giảm hoặc mất phản xạ gân, nhạy cảm với ánh sáng khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, chóng mặt, buồn nôn, căng vú, trứng cá.

Tương tác thuốc

  • Rượu ethylic: làm tăng chuyển hóa pyridoxin.
  • INH: đối kháng với pyridoxin nên gây thiếu máu hoặc viêm dây thần kinh ngoại biên, cần bổ sung vitamin B6 khi dùng INH.
  • Levodopa: tác dụng của levodopa bị triệt tiêu khi dùng cùng pyridoxin, tránh dùng B6 phối hợp với levodopa.
  • Estrogen (kể cả uống thuốc ngừa thai) cần thêm nhu cầu vitamin B6.
  • Theophyllin: cần bổ sung thêm B6.
  • Vitamin C: thiếu B6 có thể gây thiếu hụt vitamin C.

Tài liệu tham khảo chính:

  1. Ronald Klatz: The New anti – ageing Revolution; Basic Health Publications; Inc. 2003; N.J. 07047 (Hoa Kỳ).
  2. Pamela Hason: Dietary Supplements; Third Edition; Pharmaceutical Press (2007); RPS Publishing; pp.302-316; 318-322.
  3. Hoàng Tích Huyền: Dược lý học; Nhà xuất bản Y học; trang 512-520 (1995).

Bài viết liên quan

Bình luận
scrolltop