Tổng đài tư vấn
0812 903 903

TRÀ XANH

Trà xanh (Camellia sinensis (L.) O. Ktze), họ Chè (Theacease).

Chi Camellia có khoảng 45 loài, cây bụi hoặc cây gỗ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt ở châu Á.

Hiện nay, trồng phổ biến trên thế giới, nguồn gốc ở Ấn Độ (vùng Assam), Vân Nam (Trung Quốc), Bắc Việt Nam.

Cho đến thế kỷ thứ 6, uống trà là thói quen truyền thống ở Trung Quốc, Việt Nam, sau đó lan sang Nhật, Indonesia, Hà Lan, Anh. Tại Trung Quốc, thói quen uống trà xanh có từ cách đây 4700 năm.

nghiên cứu khoa học ancan trà xanh 1

Bộ phận dùng

Lá trà tươi hoặc phơi khô, chế biến thành trà xanh, trà đen.

Thành phần hóa học

Thành phần quan trọng để phân biệt tính chất của “nước chè” gồm cafein, các polyphenol, tinh dầu. Những chất này cộng với một số thành phần khác góp phần tạo ra những loại trà có chất lượng khác nhau trên thị trường.

Trong trà tươi và trà đã chế biến có chứa kaemferol, quercetin, theophyllin, theobromin, xanthin...

Thành phần quan trọng trong trà xanh và trà đen là alkaloid có nhân purin, nhất là cafein.

Quan trọng hơn hết là các polyphenol: các catechin (lượng nhiều nhất) gồm epigallo-catechin-3-gallat (EGCG), epigallo-catechin (EGC), epicatechin-3-gallat(ECG), epi-catechin (EC).

Trong trà xanh, EGCC có hàm lượng nhiều nhất (237ml trà chứa 30-130 mg EGCG). EGCG là hoạt chất polyphenol chính chống ung thư.

hotline

Tác dụng dược lý

+  Chống đái tháo đường.

+  Gây thiếu vitamin B1 (cần uống thêm B1 nếu nghiện trà)

+  Làm tiêu hao năng lượng.

+  Chống oxy hóa.

+  Kích thích thần kinh do chứa theophyllin, theobromin, chủ yếu là cafein, tăng sức làm việc trí óc và cơ bắp, tăng cường hô hấp, tăng và điều hòa nhịp tim, lợi tiểu, kích thích ăn ngon.

+  Trà tươi chứa nhiều vitamin C nên tăng sức đề kháng.

Tính vị, công năng

          Vị đắng, chát, hơi ngọt, vào kinh can thận, thanh nhiệt, giải khát, tiêu đờm, lợi tiểu, thư thái, bớt chóng mặt v.v…

Công dụng

nghiên cứu khoa học ancan trà xanh 2

Theo truyền thống

  • Dùng khi tâm thần mệt mỏi, ngủ nhiều, nhức đầu, mắt mờ, sốt, khát nước, bí tiểu, ngộ độc rượu.
  • Cần lưu ý về tác dụng phụ khi dùng nhiều, như làm giảm lượng vitamin B1 trong cơ thể.
  • Dùng lâu và liều cao gây mất ngủ, gầy yếu, mất cảm giác ăn ngon, kích thích rối loạn thần kinh.

Theo y học hiện đại

  • Dự phòng và hỗ trợ điều trị ung thư:

Vì thành phần trà xanh uống trực tiếp xuống ống tiêu hóa, nên trước hết dự phòng ung thư miệng, dạ dày, đại tràng.

Những nghiên cứu trước đây cho thấy trà  xanh phòng ung thư da, phổi, đường tiêu hóa, bàng quang.

Cơ chế tác dụng:

+  EGCG tác động đến chu trình tế bào u, phong bế các pha G0 và G1. Với ung thư phổi, EGCG còn tác động cả tới pha G2 và M của chu trình.

+ EGCG còn cảm ứng thúc đẩy sự chết theo chương trình (apoptosis) của tế bào u, tức quá trình tích cực của sự chết tế bào u mà không ảnh hưởng tới tế bào lành, phong bế sự phiên mã ADN trong các gene của dòng tế bào u, như nhiễm melanin, u phổi, vú, đại tràng, bệnh bạch cầu.

+  Nhờ EGCG ức chế topoisomerase I (như ở tế bào u đại tràng của người), nên ADN bị bất hoạt.

Các catechin ECG và EC ít có tác dụng như EGCG.

  • Trà xanh và bệnh tim mạch:

Uống 4 chén trà xanh mỗi ngày làm giảm 31% nồng độ 8-OH-deoxyguanosin, là chất chỉ thị về stress oxy hóa ở người hút thuốc lá, thuốc lào. Uống trà xanh tỷ lệ nghịch với sự phát triển của xơ vữa động mạch vành, tỷ lệ nghịch với tần số nhồi máu cơ tim.

  • Trà xanh với thoái hóa thần kinh:

Uống trên 3 chén mỗi ngày làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson (là lợi ích đặc biệt của EGCG). EGCG phòng và chống bệnh Parkinson còn do ức chế COMT (catechol-O-methyl-transferase) và 6-hydroxydopamin là các chất trung gian gây hư hại tế bào thần kinh.

  • Trà xanh với bệnh tiểu đường:

Uống 1,5 lít trà xanh mỗi ngày, dùng trong 30 ngày sẽ làm giảm nồng độ glucose trong huyết tương ở người tiểu đường týp II. Trà xanh làm tăng tiêu thụ năng lượng và tăng oxy hóa mỡ. EGCG có thể phòng sự chết tế bào đảo tụy ở người tiểu đường týp I.

Cơ chế tác dụng khác của trà xanh

Trà xanh chống oxy hóa. EGCG cũng như các polyphenol khác của trà bẫy được các gốc oxy và nitrogen hoạt động. Trà xanh còn chống oxy hóa gián tiếp qua ức chế các yếu tố phiên mã nhạy cảm với phản ứng oxy hóa – khử, NFkB, activator protein-1 (AP-1).

Catechin của trà xanh ức chế được các enzym thân oxy hóa (pro-oxydant) như nitric oxyd synthase, lipooxygenase, cyclooxygenase, xanthin-oxydase.

Catechin làm tăng quá trình thải độc qua cảm ứng chọn lọc các enzym của chuyển hóa pha I và pha II ở tế bào gan. Trà xanh gây cảm ứng các enzym chống oxy hóa như glutathion-S-transferase, superoxyd dismutase.

Sau khi uống 1 đến 6 chén mỗi ngày, trà xanh làm tăng rõ khả năng chống oxy hóa trong huyết tương sau 1 giờ.

Độ an toàn của trà xanh

Trà xanh tương đối không độc. Liều dung nạp tối đa mỗi ngày là uống 3gam/m2 diện tích cơ thể người.

Uống liều cao (5-6 lít mỗi ngày) có thể gây buồn nôn, nôn, trướng bụng, đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy...

Liều quá cao kích thích thần kinh trung ương gây choáng váng, mất ngủ, run, lú lẫn, đái nhiều, nhịp tim không đều, kích động tâm thần – vận động, hiếu động.

Trên người, không thấy tác dụng phụ nghiệm trọng khi uống 15 viên nén trà xanh mỗi ngày, dùng trong 6 tháng liền (tức mỗi ngày 2,25 gam cao trà xanh, tương đương 337,5mg EGCG và 135mg cafein).

 

Bài viết liên quan

Bình luận
scrolltop