Tổng đài tư vấn
0812 903 903

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh phụ khoa khá phổ biến và nguy hiểm. Trong tất cả các giai đoạn bệnh, điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là đơn giản, hiệu quả và mang tới khả năng sống sót cao nhất cho người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cơ bản nhất để người bệnh và gia đình có những lựa chọn tốt nhất và an tâm điều trị.

1. Các dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh tiến triển âm thầm, giai đoạn tiền lâm sàng của bệnh có thể kéo dài tới 10-15 năm. Ở giai đoạn tiền lâm sàng đã có sự xuất hiện của các tế bào bất thường ở cổ tử cung nhưng chưa có những triệu chứng lâm sàng rõ rệt và bệnh vẫn tiếp tục tiến triển. Khi mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu người bệnh có thể bắt đầu thấy sự xuất hiện của một số dấu hiệu phổ biến sau:

  • Chảy máu âm đạo bất thường: hiện tượng này có thể xảy ra sau quan hệ, giữa hai chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi đã mãn kinh.
  • Đau vùng chậu: đau vùng chậu khi giao hợp hoặc đau vùng chậu bất thường là những dấu hiệu chị em cần đặc biệt lưu ý.
  • Dịch âm đạo bất thường: dịch âm đạo có màu sắc lạ và mùi hôi, khó chịu là dấu hiệu của một số bệnh phụ khoa trong đó có ung thư cổ tử cung.
  • Són tiểu, đi tiểu ra máu
  • Đau khi giao hợp: đau vùng kín hoặc vùng chậu khi giao hợp thường xuyên có thể là dấu hiệu cho thấy bạn gặp vấn đề sức khỏe phụ khoa như ung thư cổ tử cung
  • Thiếu máu, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân

Nếu thấy sự xuất hiện của một số dấu hiệu trong các dấu hiệu trên thì chị em nên khám phụ khoa ở các cơ sở y tế đáng tin cậy để phát hiện bệnh kịp thời. Ngoài ra, khám phụ khoa định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất giúp phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm 

hotline

2. Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có chữa được không?

Phát hiện mắc ung thư là một cú sốc lớn đối với người bệnh và gia đình. Tuy nhiên, tin vui là ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể chữa khỏi với tỷ lệ rất cao nếu người bệnh điều trị kịp thời bằng phương pháp phù hợp. Thậm chí sau khi điều trị một số chị em còn có thể mang thai, sinh con bình thường.

Tỷ lệ chữa khỏi ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố:

  • giai đoạn phát hiện bệnh (giai đoạn 0, 1A, 1B)
  • độ tuổi
  • vị trí khối u, mức độ lan rộng của khối u
  • tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và tiền sử các bệnh khác

Theo số liệu thống kê nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung là 92% (giai đoạn 0, 1A), 80% (giai đoạn 1B). Sau khi loại bỏ hoàn toàn khối u cổ tử cung, nhiều bệnh nhân vẫn cần thường xuyên theo dõi và khám sức khỏe để đề phòng nguy cơ ung thư tái phát. Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có tỷ lệ tái phát sau điều trị không cao nhưng vẫn có thể xảy ra.

 

3. Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

 

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

 

Các phương pháp có thể được dùng phối hợp để tăng hiệu quả điều trị.

 

3.1 Phẫu thuật

 

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính và phổ biến nhất cho đa số trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Một số thủ thuật phẫu thuật cho phép bảo tồn tử cung nên không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Các phương pháp phẫu thuật này bao gồm:

 

  • Thủ thuật cắt khối u bằng vòng dây điện (LEEP): dùng dòng điện truyền cao một vòng kim loại để loại bỏ khối u ở cổ tử cung
  • Thủ thuật cắt khối u bằng tia laser: dùng chùm tia laser cường độ cao để cắt bỏ phần nhỏ ở cổ tử cung có chứa khối u
  • Phẫu thuật lạnh: dùng nitơ lỏng để làm đông lạnh, tiêu diệt tế bào ung thư
  • Phẫu thuật cắt một phần tử cung: nếu khối u có kích thước lớn và ăn sâu và lớp lót cổ tử cung thì cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần tử cung có chứa khối u để loại bỏ triệt để khối u ra khỏi tử cung.
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung: bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung để loại bỏ khối u và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
  • Phẫu thuật triệt để (cắt toàn bộ tử cung và nạo hạch): nếu khối u có dấu hiệu lan ra hạch bạch huyết thì ngoài cắt bỏ tử cung bác sĩ sẽ phải tiến hành nạo vét hạch và cắt bỏ cả buồng trứng, âm đạo nếu cần thiết.

3.2 Hóa trị

 

Hóa trị thường được sử dụng như phương pháp điều trị bổ trợ cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu sau phẫu thuật. Hóa chất điều trị ung thư ở dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch có thể xâm nhập vào khắp các cơ quan trong cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.

 

Trong trường hợp bệnh nhân bị các bệnh về huyết học hoặc tình trạng sức khỏe không cho phép phẫu thuật thì có thể sử dụng hóa trị như liệu pháp điều trị đầu tiên để tiêu diệt tế bào ung thư và kiểm soát khối u.

 

Điều trị bằng hóa trị có thể khiến bệnh nhân gặp một số tác dụng phụ như rụng tóc, tiêu chảy, nhiệt miệng, mệt mỏi, nôn, mãn kinh sớm...

3.3 Xạ trị

 

Xạ trị cũng có thể được sử dụng như phương pháp điều trị bổ trợ sau phẫu thuật. Xạ trị dùng chùm tia X bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu máy chiếu xạ siêu nhỏ có thể được đặt bên trong cơ thể (gần vùng chậu) để tiêu diệt tế bào ung thư ở khu vực này hiệu quả và ít gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác.

 

Trong một số trường hợp bệnh nhân cũng có thể xạ trị bằng máy xạ đặt ngoài cơ thể theo liệu trình bác sĩ chỉ định.

 

Khi điều trị ung thư cổ tử cung bằng xạ trị, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như đau bụng dưới, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau khi quan hệ, bàng quang bị kích thích.

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm mà tất cả phụ nữ đều cần cảnh giác và có các biện pháp phòng chống và kiểm tra định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm nhất có thể. Tuy nguy hiểm nhưng đây là căn bệnh hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu quyết tâm điều trị. Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu luôn dễ dàng, hiệu quả và ít tốn kém hơn hẳn so với khi để bệnh tới các giai đoạn sau.



Bài viết liên quan

Bình luận
scrolltop