Ung thư đại trực tràng hiện đang đứng ở vị trí thứ 2 trong top 5 bệnh ung thư thường gặp nhất ở nam giới, chỉ đứng sau ung thư phổi.
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng gần 1 triệu người được phát hiện mắc mới ung thư đại trực tràng, trong đó nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới. Căn bệnh này được xếp thứ 2 trong 5 loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới, bao gồm ung thư phổi, ung thư đại - trực tràng, ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt.
Nam giới có nguy cơ mắc UT đại trực tràng cao hơn nữ giới
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, ngoài các yếu tố cơ địa, di truyền, ung thư đại - trực tràng thường xuất phát từ những thói quen sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của chúng ta. Các nhà nghiên cứu Y khoa đã chỉ ra rằng hiện nay nam giới có nguy cơ cao mắc UT đại trực tràng, bởi lối sống và thói quen sinh hoạt của nam giới thường kém lành mạnh hơn phụ nữ. Đặc biệt, đó là hay sa đà vào thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhưng lại thường có thái độ chủ quan đối với sức khỏe của mình, thờ ơ, ít quan tâm đến việc thăm khám sức khỏe định kỳ. Đó chính là lý do nam giới ngày càng có nguy cơ mắc ung thư nhiều hơn nữ giới, đặc biệt là bệnh ung thư phổi và ung thư đại trực tràng.
Thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia là một trong những tác nhân hàng đầu gây ung thư
Hiện nay, có khoảng hơn 90% bệnh nhân bị khối u hoặc ung thư đại tràng được chẩn đoán phát hiện bệnh sau tuổi 50, tuy nhiên độ tuổi mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa dần. Có nhiều trường hợp nam giới mắc bệnh polyp đại tràng hoặc polyp trực tràng nhưng phát hiện muộn dẫn đến bệnh đã chuyển sang giai đoạn ung thư, thậm chí tế bào ung thư đã di căn sang các cơ quan, bộ phận khác trên cơ thể. Ban đầu, các polyp khi mới hình thành thường là lành tính, nhưng do tâm lý chủ quan, ngại đi khám, nội soi, cho đến khi bệnh có triệu chứng rõ ràng mới đi khám thì đã ở giai đoạn muộn, khó điều trị và tốn nhiều chi phí hơn.
Những người có tiền sử bệnh lý polyp đại tràng, trực tràng có nguy cơ mắc bệnh cao
Bệnh UT đại trực tràng ở giai đoạn đầu khi chưa có biểu hiện rõ ràng, chưa có triệu chứng đau nhức, nếu được điều trị sớm sẽ mang lại tỷ lệ điều trị thành công trên 90%. Tuy nhiên, do lối suy nghĩ và thói quen của người Việt Nam, nhiều người dân ít chủ động đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ nên tỷ lệ mắc bệnh cao, và khi phát hiện thì thường bệnh đã ở giai đoạn muộn. Do đó việc nâng cao ý thức chủ động của người dân trong việc phòng và khám bệnh định kỳ sẽ giúp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm và nâng cao tỷ lệ chữa trị thành công.
Bệnh ung thư đại tràng và trực tràng thường có triệu chứng giống với các bệnh đường ruột khác như kiết lị, trĩ... Do đó, bạn không nên chủ quan khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, đi ngoài phân có màu đen bất thường kèm theo chất nhầy, đau quặn bụng, thói quen đại tiện thay đổi, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, sút cân nhanh. Khi xuất hiện những triệu chứng trên, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị sớm tránh những hậu quả đáng tiếc. Thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần là điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn, đặc biệt là sau khi bước vào tuổi trung niên.
Khám định kỳ và nội soi khi có triệu chứng bất thường là điều cần thiết giúp phát hiện sớm bệnh