Hiện nay, ung thư phổi đang được xếp vào loại ung thư nguy hiểm nhất, có tỷ lệ mắc bệnh cũng như tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư. Nguy hiểm hơn, các yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này đang ngày càng gia tăng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Ung thư phổi rất khó để phát hiện ở giai đoạn đầu bởi biểu hiện của nó không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác về đường hô hấp.
Tại Việt Nam, phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, chỉ có khoảng 10-20% phát hiện ở giai đoạn sớm. Theo thống kê, mỗi năm ở nước ta có khoảng 20.000 người phát hiện mắc mới UT phổi, trong đó tỷ lệ tử vong lên tới 17.000 người.
Ung thư phổi chiếm 13% trong tổng số các ca mắc ung thư, nhưng tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này lên tới 28% trong tổng số trường hợp tử vong do ung thư.
Ung thư phổi được xem là bệnh nguy hiểm nhất trong các loại ung thư bởi tốc độ phát triển nhanh chóng của bệnh. Trong đó UT phổi tế bào nhỏ có tốc độ phát triển nhanh gấp đôi so với UT phổi không tế bào nhỏ và nhanh chóng di căn xa.
UT phổi là bệnh nguy hiểm nhất trong các loại ung thư
UT phổi thường được chẩn đoán, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, cùng với việc quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn hơn so với các loại ung thư khác, cho nên tiên lượng sống của bệnh nhân mắc UT phổi khá thấp.
Đối với UT phổi không tế bào nhỏ: Tỷ lệ sống 5 năm cho giai đoạn 1A là 49% và 1B là 45%; Giai đoạn 2A là 30% và 2B là 31%; Giai đoạn 3A có tiên lượng là 14%, và đến giai đoạn 3B thì chỉ còn 5%, thời gian sống trung bình khi điều trị là 13 tháng. Đối với những trường hợp bệnh đã ở giai đoạn 4 (di căn): Tỷ lệ sống 5 năm chỉ còn có 1%, thời gian sống trung bình khi điều trị là khoảng 8 tháng.
Đối với UT phổi tế bào nhỏ: Tỷ lệ sống 5 năm chung cho cả 2 giai đoạn của bệnh (giai đoạn hạn chế và giai đoạn mở rộng) chỉ khoảng 6%. Nếu không điều trị, thời gian sống trung bình là 2-4 tháng, và nếu điều trị có thể chỉ là 6 đến 12 tháng.
Hầu hết bệnh nhân UT phổi đi khám khi cơ thể đã xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài, ho ra máu, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, sút cân nhanh, khó thở kéo dài, xuất hiện hạch ở cổ, nách… Khi đó, hầu hết các trường hợp bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn dẫn đến tiên lượng bệnh thấp, thời gian sống của bệnh nhân sau khi phát hiện bệnh rất ngắn.
Hiện nay hầu hết bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn
Nếu nghi bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm tế bào trong đờm (quan sát mẫu tế bào được lấy từ mẫu dịch nhầy ở phổi khi ho dưới kính hiển vi). Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ phải nghiên cứu mô phổi.
Sau khi xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành phân giai đoạn để biết được tế bào ung thư đã lan rộng đến bộ phận nào của cơ thể. Ung thư phổi thường gây ảnh hưởng đến não hoặc xương. Việc xác định chính xác giai đoạn sẽ giúp bác sĩ lập kế hoạch, phác đồ điều trị.
Có rất nhiều bệnh nhân phát hiện mắc UT phổi nhờ chụp X-quang tim phổi khi khám sức khỏe định kỳ. Do đó, chúng ta không nên coi nhẹ vai trò của việc khám sức khỏe định kỳ. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, bạn nên đi khám định kỳ 1-2 lần/ mỗi năm.