Bệnh nhân ung thư đại tràng nên và không nên ăn gì?
Trong quá trình điều trị ung thư, ngoài áp dụng các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị,... thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Vậy ung thư đại tràng nên ăn gì và kiêng ăn gì? Bài viết này sẽ chia sẻ về chế độ dinh dưỡng tốt cho quá trình điều trị, giúp nâng cao sức đề kháng và phòng ngừa tái phát bệnh cho các bệnh nhân ung thư đại tràng.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng góp phần điều trị K đại tràng hiệu quả
Bệnh nhân ung thư phải chịu những ảnh hưởng của khối u và các biện pháp điều trị bệnh khiến suy kiệt sức khỏe. Hầu hết các bệnh nhân phải chịu những tác dụng phụ của các biện pháp điều trị làm họ khó ăn uống, mất ngủ, sút cân, sức khỏe suy giảm. Mặt khác, các tế bào ung thư lại gây tiêu hao nhiều dinh dưỡng. Do đó chế độ ăn uống khoa học là biện pháp vô cùng quan trọng để giúp hồi phục bệnh cũng như có sức khỏe để tiếp tục điều trị.
- Nên bổ sung phong phú nhiều loại thực phẩm nhưng cần lựa chọn những thức ăn ít béo, ít mặn, lỏng, dễ tiêu hóa, chế biến đơn giản càng tốt như luộc, hấp.
- Để duy trì cân bằng dinh dưỡng, nên chọn các thực phẩm tươi, sạch. Nên ăn các món ăn chế biến từ thịt gà, ngan, cá, trứng, sữa... thay thế cho các loại thịt đỏ để giảm lượng chất béo bão hòa nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Nên ăn các món chế biến từ thịt gà, ngan, cá, trứng...
- Tăng cường bổ sung nhiều rau củ quả giúp bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất, các chất chống oxy hóa. Đặc biệt là các loại quả có màu đỏ, màu cam hay vàng đậm như dưa hấu, dâu tây, cà rốt, cà chua, đu đủ, các loại rau có màu xanh đậm.
Ung thư đại tràng nên ăn gì? Nên tăng cường bổ sung rau củ quả có màu đỏ, cam, vàng đậm
- Bệnh nhân nên chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày (6-8 bữa), nên chế biến thực phẩm dưới dạng cháo, súp,... để dễ hấp thu hơn. Các bữa phụ bổ sung sữa tách bơ, nước ép trái cây, hoa quả.
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt được ưu tiên bổ sung trong quá trình điều trị bằng hóa chất và xạ trị, khi bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa.
- Uống đủ nước, khoảng 8 ly nước mỗi ngày.
Ăn uống tùy theo triệu chứng của bệnh:
- Bệnh nhân K đại tràng bị đầy, trướng bụng và đau đớn, ăn vào khó tiêu, cần chọn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như canh chua, nước cam, nước gừng, mì sợi, cháo gạo…
- Bệnh nhân buồn nôn, nôn mửa, không muốn ăn, nên chọn các thực phẩm thanh đạm như bột ngó sen, bột ngũ cốc (đậu, vừng,...); tránh các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ.
- Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường bị hư tổn khí huyết, sức khỏe suy yếu, chân tay uể oải, khó cử động, không muốn ăn uống… thì nên chọn loại thức ăn có tác dụng ích khí dưỡng huyết như canh thịt gà, thịt chim, trà nhân sâm, long nhãn, mộc nhĩ…
- Trong quá trình điều trị bằng hóa chất, bệnh nhân rất dễ bị choáng đầu, hoa mắt, toàn thân mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, nên bổ sung sữa, trứng gà, cà chua, trà sâm…
- Bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn muộn, toàn thân suy nhược, ăn uống khó khăn, nên dùng sâm hãm với nước để giúp tăng cường chức năng của các tạng phủ.
Lưu ý: Nếu sức khỏe cho phép, bệnh nhân nên tập luyện, vận động nhẹ nhàng trong nhà để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Bệnh nhân ung thư đại tràng kiêng ăn gì?
- Tránh ăn thức ăn khô, cứng, mặn. Không nên ăn quá nhanh.
- Không nên ăn các món rán nhiều dầu mỡ, nướng, quay hoặc những thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói; các món muối lên men (dưa, cà muối, cá muối,...); các đồ cay nóng hoặc gây nóng như mít, dứa, tiêu, ớt,...
Không nên ăn các món chiên rán, quay, nướng ở nhiệt độ cao
- Không hút thuốc. Không uống rượu, bia, đồ uống có cồn và các thức uống có ga.
- Hạn chế những loại thức ăn chứa nhiều chất béo và những loại thực phẩm không tốt cho cơ thể: các loại thịt đỏ, pho mát, sữa nguyên chất, kem...
Xem thêm:
>>> Những lưu ý đối với bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư đại tràng
>>> Các phương pháp điều trị ung thư đại tràng