Theo nghiên cứu, bệnh nhân bị bướu cổ Hashimoto có tỉ lệ bị suy giáp cao hơn rất nhiều lần so với người bình thường. Đây là một bệnh khá nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tuyến giáp.
Bướu cổ Hashimoto còn có các tên gọi khác như: Viêm tuyến giáp Hashimoto, Viêm tuyến giáp tự miễn, viêm tuyến giáp lympho mạn tính. Bệnh này là bệnh tự miễn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến giáp. Cụ thể, bình thường hệ thống miễn dịch của cơ thể có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các vi khuẩn, virus lạ xâm nhập nhưng khi mắc bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch bị lỗi và quay sang tấn công chính cơ thể.
Hệ thống miễn dịch bị rối loạn gây nên bướu cổ Hashimoto, tạo ra các tự kháng thể tấn công tuyến giáp. Dẫn đến làm giảm chức năng tuyến giáp và giảm lượng hormone tuyến giáp, từ đó gây bướu cổ suy giáp.
Tuyến giáp là bộ phận có chức năng quan trọng trong cơ thể, nó đảm nhiệm vai trò điều hòa sự trao đổi chất, kiểm soát sự tăng trưởng, nhiệt độ và năng lượng của cơ thể. Bất kỳ thay đổi nào của tuyến giáp cũng gây ảnh hưởng và làm rối loạn sự trao đổi chất và các vấn đề khác trong cơ thể..
Không phải tất cả các trường hợp mắc bướu cổ Hashimoto đều bị suy giáp nhưng Hashimoto là nguyên nhân số 1 dẫn đến suy giáp. Suy giáp do Hashimoto diễn ra âm thầm và càng ngày càng nghiêm trọng..
Các triệu chứng phổ biến nhất và dễ nhận thấy của bệnh Hashimoto là: bướu cổ; mệt mỏi, buồn ngủ, thẫn thờ, hay quên; tăng cân; táo bón; lo âu, phiền muộn; rối loạn kinh nguyệt; móng tay và tóc khô xơ, dễ gãy; da khô ngứa và bị phù mặt.
Khi thấy các dấu hiệu bướu cổ Hashimoto điển hình trên, người bệnh nên đi khám ở bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh để lâu dẫn đến suy giáp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Như đã nhắc ở mục trước, nguyên nhân bệnh bướu cổ Hashimoto do rối loạn hệ thống miễn dịch gây nên. Lúc này hệ thống miễn dịch đã không nhận ra tế bào tuyến giáp bình thường mà coi các tế bào tuyến giáp như là tế bào lạ tấn công cơ thể, gây đáp ứng miễn dịch tạo ra các kháng thể quay ngược lại phá hủy tế bào. Một số nghiên cứu cho biết, các yếu tố môi trường khác nhau cũng có ảnh hưởng tới căn bệnh này.
Chẩn đoán bướu cổ Hashimoto dựa vào các biểu hiện lâm sàng như bướu giáp, triệu chứng suy giáp. Ngoài ra, chẩn đoán bệnh còn phải dựa vào xét nghiệm máu: kháng thể kháng tuyến giáp (kháng thể này rất đặc hiệu trong viêm tuyến giáp Hashimoto nhưng không phải gặp ở tất cả các bệnh nhân); TSH tăng, FT4 giảm.
Chọc tế bào tuyến giáp làm xét nghiệm tế bào học không phải là xét nghiệm thường quy ở tất cả các bệnh nhân nhưng đây là xét nghiệm để phân biệt viêm tuyến giáp Hashimoto với các bệnh tuyến giáp khác.
Nếu không điều trị một cách kịp thời và đúng đắn, bệnh bướu cổ Hashimoto có thể ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người bệnh và gây ra các biến chứng như bệnh tim mạch, tâm thần kinh, phù niêm và có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi khi mẹ mắc bệnh bướu cổ Hashimoto mà không được điều trị.