Tổng đài tư vấn
0812 903 903

Những điều cần biết về tầm soát ung thư tuyến giáp

Phát hiện ung thư tuyến giáp sớm sẽ giúp người bệnh tăng tối đa thời gian sống. Do đó, thực hiện tầm soát ung thư tuyến giáp là điều mà những người có nguy cơ mắc bệnh cao nên thực hiện định kỳ. Chính xác thì tầm soát ung thư là gì, có ý nghĩa như thế nào và được thực hiện ra sao? 

1. Định nghĩa tầm soát ung thư tuyến giáp

Tầm soát ung thư tuyến giáp là việc xét nghiệm và kiểm tra hoạt động của tuyến giáp nhằm phát hiện những dấu hiệu của tế bào ung thư ngay cả khi chưa có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Ngoài ra, tầm soát ung thư tuyến giáp còn giúp phát hiện được những tổn thương tiền ung thư tại tuyến giáp. Đây là những tổn thương không phải ung thư nhưng lại có nhiều khả năng biến chuyển thành ung thư nếu không được ngăn chặn kịp thời.  

2. Lý do nên tầm soát ung thư tuyến giáp

Ngày nay, tầm soát ung thư nói chung và tầm soát ung thư tuyến giáp đang trở nên phổ biến hơn và được khuyên dùng vì đem lại rất nhiều lợi ích. 

  • Giúp phát hiện ra những hoạt động tế bào bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng rõ ràng, mang tới cơ hội điều trị thành công cao.

Phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn 1, nâng tỷ lệ điều trị khỏi lên 80 - 90%. Tỷ lệ chữa khỏi giảm còn 75% ở giai đoạn 2; 30 - 40% ở giai đoạn 3 và dưới 15% ở giai đoạn 4. Do đó, phát hiện bệnh sớm sẽ mang lại cơ hội điều trị khỏi cao hơn. 

  • Việc phát hiện bệnh sớm cũng giúp việc chữa trị đơn giản hơn, hiệu quả điều trị cao hơn,làm giảm chi phí điều trị. 
  • Điều trị sớm ít để lại tác dụng phụ hay các biến chứng nguy hiểm. 
  • Không ảnh hưởng đến chức năng thẩm mĩ cho người bệnh. 

Hiện nay, rất nhiều các bệnh viện lớn đều có mở các gói tầm soát ung thư với chi phí khá phải chăng. Vì vậy, bạn có thể liên hệ và đi khám để được chẩn đoán tình trạng sức khỏe chính xác nhất. 

hotline

3. Đối tượng nên khám tầm soát ung thư tuyến giáp

Những người có nguy cơ mắc bệnh cao là những đối tượng chính cần tầm soát ung thư tuyến giáp

  • Phụ nữ là đối tượng có tỷ lệ ung thư tuyến giáp cao hơn nam giới, tỷ lệ mắc bệnh tương quan giữa nữ và nam là 3:1. Do đó, phụ nữ nên đi tầm soát ung thư tuyến giáp để có thể phát hiện bệnh sớm. 
  • Những người có chế độ ăn thiếu iod 
  • Người thường xuyên tiếp xúc với chất phóng xạ cũng có khả năng bị mắc các bệnh này. 
  • Những đối tượng trong gia đình có người thân từng có tiền sử bị ung thư tuyến giáp cũng nên đi tầm soát. 

Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp cũng đang có dấu hiệu trẻ hoá và bắt đầu xuất hiện ở những người trẻ nhiều hơn. Chính vì vậy, nếu có điều kiện và thời gian tốt nhất bất cứ ai cũng nên đi tầm soát ung thư tuyến giáp để phòng tránh khả năng bị mắc bệnh cũng như có phương pháp điều trị sớm nhất để bảo vệ sức khỏe. 

4. Thời điểm nên khám tầm soát ung thư tuyến giáp

Tuổi cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Phụ nữ trong độ tuổi từ 40-50 và nam giới từ 60-70 là những đối tượng có nguy cơ bị mắc ung thư tuyến giáp cao nhất. Do đó, những người nằm trong độ tuổi này trở lên nên thực hiện tầm soát ung thư tuyến giáp định kỳ. 

Việc tầm soát ung thư bao lâu một lần thì không thể có câu trả lời chính xác được bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều trường hợp. Các chuyên gia về y tế thường khuyến khích  người dân nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện tiến hành khám, xét nghiệm tầm soát ung thư định kỳ 1 năm 1 lần hoặc ít nhất 2 năm một lần. 

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đặc biệt như có người thân từng mắc bệnh ung thư tuyến giáp, người làm việc trong môi trường độc hại có chất phóng xạ, người lớn tuổi… thì nên định kỳ 1 năm 1 lần. 

Với những người tầm soát lần đầu có các dấu hiệu bất thường thì thời gian giữa các lần tầm soát càng ngắn hơn. Những người đã từng làm tầm soát ung thư nhưng kết quả âm tính thì có thể giãn thời gian kiểm tra ra xa nhau hơn. 

5. Các phương pháp tầm soát ung thư tuyến giáp

Tại các cơ sở y tế, người bệnh sẽ được tầm soát ung thư theo một số phương pháp sau. 

5.1. Xạ hình tuyến giáp

Xạ hình tuyến giáp thường được chỉ định khi bệnh nhân có chỉ số TSH thấp. Xạ hình có thể bằng Iod-123, Iod-131 hoặc Tc-99m. Trong đó, Iod được bắt và hữu cơ hóa tốt hơn, nên được ưu tiên dùng nhiều hơn. Tuy nhiên, có khoảng 3-8% nhân giáp bắt Tc-99m nhưng lại không bắt Iod và một số nhân này là ác tính, nên việc sử dụng Tc-99m vẫn cần được sử dụng. 

Xạ hình tuyến giáp sử dụng các thiết bị chuyên dụng chụp hình, giúp xác định chính xác vị trí, hình dạng của tế bào tuyến giáp đã hấp thụ chất phóng xạ đưa vào cơ thể. Phương pháp này cho phép bác sĩ đánh giá chức năng, hình ảnh của tuyến giáp ở các bệnh nhân có bướu cổ đơn thuần, cường giáp trạng, Basedow, bệnh nhân suy giáp, nhờ đó có thể phát hiện ra tình trạng ung thư tuyến giáp sớm. 

Xạ hình còn giúp phát hiện các tế bào tuyến giáp đi lạc, tuyến giáp có kích thước bất thường. Đây là phương pháp đặc biệt hiệu quả giúp người bệnh có thể phát hiện bệnh sớm giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên phương pháp này  không cho phép đánh giá chính xác kích thước nhân giáp. 

5.2. Xét nghiệm tế bào

Kết quả xét nghiệm tế bào cho phép cung cấp các thông tin trực tiếp và đặc hiệu về một nhân tuyến giáp. Đây là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay trong phân biệt các nhân giáp lành tính và ác tính và có độ chính xác lên tới 95% nên thường được ưu tiên sử dụng. Xét nghiệm tế bào cho thấy các chỉ số bất thường trong tế bào, từ đó có các phương pháp điều trị kịp thời và hiệu quả. Phương pháp này thường không để xảy ra các biến chứng và nếu có thì chỉ là cảm giác khó chịu tại chỗ chọc. 

5.3. Siêu âm và chụp cắt lớp

Siêu âm độ phân giải cao và chụp cắt lớp có khả năng phát hiện chính xác các tế bào tuyến giáp bất thường không sờ được trên lâm sàng. Phương pháp này cho phép bạn có thể xác định được vị trí, kích thước, thể tích của tuyến giáp có ổn định không, đồng thời phát hiện các đặc điểm của ung thư giáp như nhân giảm âm, calci hóa nhỏ (microcalcification), bờ không đều, nhân hình tròn đều hoặc cao, tăng sinh mạch máu trong nhân, đặc biệt là các bằng chứng xâm lấn của khối u hoặc hạch lympho vùng cổ. 

Tuy nhiên, một hạn chế của siêu âm và chụp cắt lớp là không xác định được u lành tính với u ác tính. 

5.4. Xét nghiệm sinh hóa 

Người bệnh sẽ được chỉ định đo nồng độ TSH và FT4. Nếu TSH tăng thì phải làm thêm xét nghiệm kháng thể antithyroperoxidase (Anti-TPO) để xác định viêm tuyến giáp Hashimoto. 

Nếu người khám có tiền sử người trong gia đình bị ung thư tuyến giáp thể tủy, hoặc đa u tuyến nội tiết týp 2 (MEN 2) thì được chỉ định đo thêm nồng độ calcitonin, nếu tăng > 100 pg/ml thì có nguy cơ bị ung thư thể tủy.

5.5. Phương pháp khác

Người đi tầm soát ung thư tuyến giáp còn có thể được chỉ định thực hiện thêm một số phương pháp khác để hỗ trợ cho việc chẩn đoán như siêu âm ổ bụng và chụp X-quang tim phổi để phát hiện các dấu hiệu bất thường có thể gây bệnh. 

Có thể thấy việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên và tầm soát ung thư tuyến giáp có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt trong điều trị ung thư sớm và hiệu quả. Nếu bạn nằm trong số những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, hãy đi kiểm tra sức khỏe sớm nhất nhé. 




Bài viết liên quan

Bình luận
scrolltop