U bướu tuyến giáp là căn bệnh tương đối phổ biến, thường gặp ở nữ giới, nhất là chị em trước tuổi mãn kinh. Vì vậy khi mắc bệnh, mọi người thường băn khoăn không biết u bướu tuyến giáp có ảnh hưởng gì đến chức năng sinh sản không ?. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông tin hữu ích.
Một số loại u bướu tuyến giáp thường gặp nhất là:
- Bệnh Basedow
- Bướu nhân tuyến giáp (đơn nhân, đa nhân).
- U nang tuyến giáp
- Phình giáp
Hình ảnh u tuyến giáp
Nữ giới có nguy cơ mắc các bệnh tuyến giáp cao
Theo thống kê, nữ giới có tỉ lệ mắc các bệnh tuyến giáp cao gấp 3 lần nam giới. Những chị em nào có một trong các yếu tố nguy cơ dưới đây thì khả năng bị bệnh tuyến giáp càng cao:
- Đã mắc một trong những vấn đề về tuyến giáp trong quá khứ
- Đã tiến hành làm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị ảnh hưởng đến tuyến giáp
- Trong gia đình có người thân mắc các bệnh tuyến giáp
Hậu hết các bệnh nhân tuyến giáp phát hiện ra bệnh khi các khối u bướu kích thước đã phát triển lớn gây ra nhiều triệu chứng như: khó nuốt, khó thở, cảm giác mắc nghẹn ở cổ, người mệt mỏi,….
U bướu tuyến giáp có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ không?
Theo số liệu thống kê, trên thế giới, trung bình cứ 8 phụ nữ sẽ có 1 người gặp các vấn đề về tuyến giáp đặc biệt là u bướu tuyến giáp. Các bệnh này có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở phụ nữ bao gồm:
Rối loạn kinh nguyệt: Một trong những chức năng quan trọng của tuyến giáp là giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ. Quá nhiều hoặc quá ít hormon tuyến giáp có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt thay đổi bất thường. Các bệnh tuyến giáp còn có thể gây ra hiện tượng tắt kinh, vô kinh trong một tháng, 2 tháng thậm chí là lâu hơn. Nếu các rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể gây ra bệnh tuyến giáp, thì chúng có thể ảnh hưởng đến các tuyến khác, bao gồm cả buồng trứng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mãn kinh sớm ở nữ giới (trước 40 tuổi).
Khó thụ thai: U bướu tuyến giáp phát triển gây ảnh hưởng lớn đến chu kỳ kinh nguyệt, dẫn đến sự rụng trứng không đều đặn. Điều này có thể khiến người bệnh khó thụ thai.
Các vấn đề trong khi mang thai: Các bệnh lý tuyến giáp đều tiềm ẩn nguy cơ gây ra vấn đề sức khoẻ cho thai phụ và thai nhi.
Các bệnh về tuyến giáp đặc biệt là cường giáp và suy giáp đều có thể gây tình trạng khó thụ thai. Nguyên nhân là do hormon tuyến giáp làm thay đổi cân bằng hormon nội tiết và tác động làm thay đổi quá trình rụng trứng. Suy giáp có thể khiến cơ thể tiết ra prolactin (hormon kích thích sữa mẹ) nhiều hơn. Tuy nhiên, quá nhiều lượng prolactin có thể gây ngăn ngừa rụng trứng, người bệnh có thể bị thiểu kinh hoặc vô kinh.
Đôi khi, các triệu chứng của bệnh tuyến giáp bị nhầm lẫn với triệu chứng mãn kinh. Ngoài ra, bệnh tuyến giáp cũng có xu hướng phát triển nhanh hơn sau khi mãn kinh.
Phụ nữ mắc u bướu tuyến giáp có thể mang thai không?
Những chị em mắc bệnh nếu được điều trị sớm và ổn định thì hoàn toàn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh bình thường. Thậm chí trong thời gian điều trị nhiều phụ nữ vẫn có thể mang thai và sinh con an toàn dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ nội tiết. Hầu hết các thuốc điều trị bệnh tuyến giáp không đắt, có thể dùng đường uống được và an toàn cho thai nhi. Vì vậy các bà mẹ mang thai nếu mắc bệnh tuyến giáp hoàn toàn có thể yên tâm điều trị. Tuy nhiên, để tầm soát tốt các vấn đề do bệnh tuyến giáp gây ra đối với cả mẹ và bé, người bệnh cần tái khám để nhận lời khuyên từ bác sĩ nội tiết uy tín trước khi mang thai.
- Chuyên gia u bướu tuyến giáp-