Bệnh nhân ung thư vòm họng nên và không nên ăn gì?
Bệnh nhân ung thư vòm họng cần hết sức chú ý đến các thành phần dinh dưỡng hàng ngày. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học không những giúp bệnh nhân cân bằng dinh dưỡng điều tiết cho cơ thể, giảm bớt các tác dụng phụ của hóa xạ trị, mà còn giúp tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân, mang lại những tác dụng tích cực cho việc điều trị ung thư vòm họng hiệu quả.
Bệnh nhân ung thư vòm họng nên và không nên ăn gì?
Bệnh nhân nên ăn các đồ ăn sau để tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch, tránh viêm nhiễm và biến chứng:
- Nên ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ protein và vitamin, đặc biệt là vitamin A có trong các loại rau củ có màu vàng và màu cam.
- Để hạn chế triệu chứng đau, khó nuốt, nuốt nghẹn khi ăn, nên chế biến thành các món ăn lỏng, mềm, nhẹ, ít dầu mỡ như cháo, súp... để bệnh nhân dễ nuốt và dễ tiêu hóa.
Bệnh nhân nên ăn các món ăn lỏng, mềm như cháo, súp,...
- Bệnh nhân ung thư vòm họng thường cảm thấy chán ăn, do đó nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày giúp ăn được nhiều hơn, giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, đồng thời giúp dễ tiêu hóa hơn.
- Nên đa dạng món ăn hàng ngày, thay đổi thường xuyên về màu sắc, mùi vị để người bệnh có cảm giác thèm ăn hơn.
- Nên ăn những đồ ăn thanh đạm, ít dầu mỡ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, phòng tránh viêm loét như các loại rau củ quả: quả la hán, mã thầy, rau chân vịt, mướp đắng.
- Có thể lựa chọn bổ sung các thực phẩm sau nhằm giảm các triệu chứng của bệnh. Nếu bệnh nhân bị khan giọng, nên ăn củ cải, lê, ngân hạnh, mơ; bị khó nuốt thì nên ăn hạnh nhân, nhân quả hồ đào, hoa bách hợp; bị khạc ra máu thì ăn bổ sung củ sen, cây kim châm.
- Bổ sung các thức ăn có tác dụng ngăn ngừa khối u vòm họng như lá xa tiền thảo, hoa mã lan, chao, mướp, cà,....
- Uống đủ nước mỗi ngày nhằm giảm đau nhức trong miệng, cổ họng và giúp dưỡng ẩm cơ thể.
Uống đủ nước mỗi ngày giúp giảm đau nhức trong miệng, cổ họng và giúp dưỡng ẩm cơ thể
Lưu ý về chế độ ăn uống trong thời gian điều trị:
- Sau khi phẫu thuật, nên ăn nhiều hạnh nhân, nước ép lê, nước mía, nước ép cà rốt, nước ép táo, nước ép kiwi…
- Khi xạ trị, bệnh nhân nên ăn những loại rau củ quả tươi, ngoài ra, có thể ăn món nấm nấu đậu, canh gan lợn với rau chân vịt…
- Khi hoá trị, nên bổ sung các loại thức ăn bổ khí tư âm như cá chép, mộc nhĩ trắng, nấm hương, tổ yến, hướng dương, lê, ngân hạnh…
Những thực phẩm bệnh nhân ung thư vòm họng nên tránh:
- Thực phẩm sống: hóa trị và xạ trị khiến bệnh nhân UT vòm họng suy giảm hệ thống miễn dịch và dễ bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn từ môi trường. Đặc biệt với những bệnh nhân ung thư vòm họng di căn xương, lan vào tủy sống, bị thiếu máu, suy giảm bạch cầu thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao. Do đó, bệnh nhân không nên ăn đồ sống, tái, chần, chỉ ăn những thực phẩm đã chế biến chín hoàn toàn.
- Hạn chế ăn các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, thực phẩm chứa axít như cam, chanh, dâu tây… để tránh gây kích ứng niêm mạc họng, gây đau rát và khó chịu.
Hoa quả rất tốt nhưng đối với UTVH, bệnh nhân nên tránh ăn các loại quả chứa axit như cam, chanh, bưởi,...
- Tránh ăn các thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao như đồ nướng, quay, chiên rán nhiều dầu mỡ, thịt xông khói, thịt bảo quản, cá ướp muối và các loại thực phẩm muối chua như dưa muối, cà muối...
Cần tránh ăn các thực phẩm chế biến nhiệt độ cao, chiên rán nhiều dầu mỡ
- Không đựng thức ăn trong đồ bằng kim loại: bệnh nhân UTVH thường nhạy cảm hơn với đồ kim loại vì chúng dễ làm thay đổi vị giác. Vì vậy, bạn nên tránh sử dụng đồ đựng thức ăn bằng kim loại và thay thế bằng đồ đựng bằng nhựa, thủy tinh hoặc sứ.
- Tránh ăn thức ăn hoặc đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh để tránh gây loét miệng và tổn thương vòm họng nhiều hơn.
Trên đây là những loại thực phẩm bệnh nhân ung thư vòm họng nên và không nên ăn. Để giúp nâng cao hiệu quả điều trị đồng thời tăng khả năng miễn dịch, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe, bệnh nhân và người nhà nên lưu ý về chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bệnh nhân, đó là một trong những điều quan trọng hàng đầu giúp điều trị bệnh thành công.